Bảo hiểm trực tuyến vẫn ở thì tương lai

Doanh thu từ kênh online hiện còn rất khiêm tốn, nhưng các hãng bảo hiểm vẫn đang đầu tư mạnh cho kênh này với kỳ vọng sẽ bứt phá trong tương lai gần.

Tăng sử dụng giấy chứng nhận điện tử

Theo các đơn vị phân tích thị trường, ngoài các kênh bán hàng truyền thống qua đại lý hay ngân hàng (bancassurance), yếu tố bất ngờ mang lại doanh thu cho khối phi nhân thọ năm 2022 có thể đến từ sự thành công của kênh bán online với những thay đổi về quy định (giấy chứng nhận điện tử).

Trong một phân tích mới đây về thị trường bảo hiểm Việt Nam, SSI Research đánh giá rằng, nếu doanh thu kênh online tăng mạnh, chi phí trung gian (cho đại lý, môi giới) có thể được tiết giảm dần, từ đó tác động tích cực lên lợi nhuận. Ngoài ra, sự hợp tác với các công ty công nghệ bảo hiểm (Insurtech) để tăng cường đổi mới, cải tiến trong việc phân tích dữ liệu khách hàng cũng sẽ giúp các công ty bảo hiểm đa dạng hóa sản phẩm và kênh phân phối trong tương lai.

Một số công ty bảo hiểm triển khai thực hiện cho nhiều sản phẩm, song đa phần vẫn phải sử dụng song song cả 2 bản giấy và điện tử theo nhu cầu của khách hàng.

Đối với khách hàng là cá nhân, thường mua các sản phẩm bảo hiểm xe cơ giới, bảo hiểm con người, việc sử dụng giấy chứng nhận online thuận lợi hơn. Tuy nhiên, riêng mẫu giấy chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm dân sự, hầu hết khách hàng vẫn yêu cầu các đơn vị bán hàng in giấy chứng nhận để sử dụng, lý do bởi giấy chứng nhận bản online chưa thuận tiện khi bị kiểm tra hành chính nên nhiều khách hàng sau khi nhận giấy chứng nhận điện tử vẫn in ra bản cứng để cất giữ. Tâm lý của khách hàng khi cầm bản giấy cũng cảm thấy yên tâm hơn và dễ dàng đưa cho các lực lượng chức năng kiểm tra.

Thực tế trên khiến nhiều doanh nghiệp bảo hiểm khi triển khai trên những kênh bán hàng lớn thường thiết kế mẫu giấy chứng nhận điện tử song song với bản giấy để in cho khách hàng, thậm chí có những kênh bán sẵn sàng từ chối bán hàng nếu giấy chứng nhận điện tử không thuận tiện cho việc in và lưu giữ.

Đối với khách hàng doanh nghiệp, do đặc thù các sản phẩm bảo hiểm khá phức tạp nên một số khách hàng vẫn yêu cầu doanh nghiệp bảo hiểm cung cấp bản giấy, bên cạnh lý do cần bản cứng để lưu hồ sơ.

Khó bùng nổ trong năm 2022

Các doanh nghiệp bảo hiểm đang rất nỗ lực đẩy mạnh online hóa các hoạt động bán hàng, trong đó giấy chứng nhận điện tử chỉ là một trong những hạng mục phục vụ cho tiến trình phát triển của bảo hiểm trực tuyến.

Đơn cử, trong định hướng phát triển năm 2022, Bảo hiểm BIDV (BIC) xây dựng chiến lược đầu tư mạnh mẽ cho hệ thống công nghệ thông tin, thực hiện số hóa toàn diện các mặt hoạt động, trong đó tập trung vào sản phẩm và kênh phân phối.

Bảo hiểm PVI cũng đẩy mạnh đầu tư vào công nghệ số để vừa mang lại trải nghiệm mới cho khách hàng, vừa có thể tiếp tục nâng cao hiệu quả hoạt động kinh doanh, quản lý, giải quyết bồi thường…

Tương tự, Bảo hiểm Bưu điện (PTI) xác định bán hàng trực tuyến sẽ là một trong ba kênh phân phối trọng tâm. Nhà bảo hiểm này đã triển khai giấy chứng nhận điện tử cho tất cả các sản phẩm từ đầu năm 2021…

Bên cạnh đầu tư về công nghệ, nhiều doanh nghiệp cũng liên tục tung ra các chương trình khuyến mại để thu hút khách hàng. Cụ thể, những năm qua, BIC là một trong những hãng bảo hiểm đẩy mạnh việc bán bảo hiểm qua các ứng dụng trực tuyến thông qua các chương trình khuyến mãi giảm phí. Mới đây nhất, BIC triển khai chương trình ưu đãi giảm tới 50% phí bảo hiểm toàn diện nhà tư nhân, 40% phí bảo hiểm du lịch, 30% phí bảo hiểm tai nạn con người 24/24… cho khách hàng mua bảo hiểm qua ứng dụng BIDV SmartBanking.

Tương tự, Bảo hiểm Petrolimex (PJICO) cũng liên tục tung ra các chương trình giảm giá 30% cho khách hàng mua bảo hiểm vật chất ô tô…

Bảo hiểm Bảo Minh (BMI) đang bán một số sản phẩm qua hình thức trực tuyến như bảo hiểm nhà tư nhân, bảo hiểm học sinh – sinh viên, bảo hiểm xe cơ giới, bảo hiểm sức khỏe, bảo hiểm du lịch…

Riêng với bảo hiểm du lịch, đây là sản phẩm bán khá tốt qua hình thức trực tuyến, nhưng 2 năm qua không khai thác được nhiều do ảnh hưởng của dịch bệnh. Các doanh nghiệp bảo hiểm kỳ vọng rằng, khi Việt Nam mở lại các đường bay, phục hồi du lịch thì bảo hiểm du lịch sẽ tăng trưởng mạnh trở lại.

Trong làn sóng công nghệ phát triển trên toàn cầu, các doanh nghiệp bảo hiểm bảo hiểm Việt Nam đã và đang đầu tư mạnh cho hoạt động số hóa, tuy nhiên, tỷ trọng doanh thu từ các kênh online trên tổng doanh thu bảo hiểm còn rất khiêm tốn. Hiện các doanh nghiệp bảo hiểm không công bố con số doanh thu chính xác của bảo hiểm trực tuyến, mà chỉ công bố doanh thu theo nghiệp vụ, nhưng đa phần đều cho biết, tỷ trọng doanh thu trung bình bán qua kênh online chỉ đạt vài phần trăm.

Theo bà Hoàng Thị Yến, Giám đốc PTI Digital, có 2 nguyên nhân chính khiến doanh thu từ bảo hiểm trực tuyến còn thấp: Một là thói quen tiêu dùng bảo hiểm trực tuyến của người dân chưa cao, cho dù dịch bệnh Covid-19 đã khiến việc mua hàng điện tử trở nên phổ biến hơn; hai là sản phẩm bảo hiểm online chưa đủ sức hấp dẫn với khách hàng.

Đa phần các doanh nghiệp bảo hiểm mới chỉ online hóa những sản phẩm bảo hiểm truyền thống sẵn có, mà ít đầu tư nghiên cứu, xây dựng các sản phẩm mới phù hợp với hành vi tiêu dùng online của người dân, đặc biệt là thế hệ tiêu dùng trẻ đang ngày càng bùng nổ hiện nay.

“Để doanh thu bảo hiểm trực tuyến thực sự bùng nổ vào năm 2022 là hơi khó, thị trường cần thêm thời gian để tất cả các yếu tố cấu thành trở nên chín muồi, khi đó tốc độ tăng trưởng của kênh bán tiềm năng này có thể tính bằng cấp số nhân. Trong lúc chờ đợi đến thời điểm đó, các doanh nghiệp sẽ vẫn phải đầu tư để đón đầu xu hướng”, bà Yến đánh giá.

Theo https://www.pjico.com.vn/bao-hiem-truc-tuyen-van-o-thi-tuong-lai.html